Miến đao Toàn Nga, huyện Trấn Yên
Miến đao xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái được người dân trong tỉnh cũng như cả nước biết đến như một sản vật với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ, màu trong hơi xám, có độ dai, giòn, nấu chín không bị nát.
Từ nhiều đời nay tại những dải đất ven sông Hồng, ở các xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã trồng cây Dong riềng. Đây là loại cây trồng thích hợp với đất đồi núi, đất bồi ven sông, suối, ít sâu bệnh cho năng suất cao, đây là nguyên liệu chính để làm lên những sợi miến ngon nổi tiếng của tỉnh Yên Bái.
Làng nghề sản xuất Miến đao xã Quy Mông - huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Những người đầu tiên có công mang nghề làm miến về xã là các ông Tô Văn Trắc và ông Nguyễn Văn Minh từ làng miến Dương Liễu - Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ vài hộ ban đầu ngày càng có nhiều hộ tham gia, sản lượng sản xuất ngày một nhiều và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân cũng ngày càng được tích lũy. Người biết làm miến có ở khắp các thôn nhưng tập trung chủ yếu ở làng Ngòi Đong.
Miến Quy Mông được nhiều người biết đến với đặc điểm nổi bật là sợi nhỏ có màu trong hơi xám, có độ dai giòn, không nát. Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, Miến đao là thực phẩm rất đỗi quen thuộc và không thể thiếu, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Là sản phẩm đặc biệt của vùng Yên Bái, Miến đao Toàn Nga được bà con tự làm hoàn toàn bằng củ dong riềng nguyên chất, không trộn các loại bột khác, đánh nước lắng bột từ 6 - 7 lần để loại bỏ các tạp chất và mùi chua, không còn sạn, không sử dụng hóa chất để tẩy trắng nên sợi miến có màu trong hơi xám. Theo kiểu truyền thống miến chỉ phơi một nắng trên các giàn tre cách mặt đất 1 - 1,2m, nếu phơi hai nắng, sợi miến bị giòn dễ gãy. Do đó, khi nấu sợi miến rất dẻo, mềm, dai có vị thơm ngon của dong riềng, không bị dính, nát. Đặc biệt chế biến Miến Đao lại phụ thuộc vào thời tiết, chỉ khi trời nắng mới làm được.
Miến này dùng cho người tiểu đường cực tốt và an toàn vì không hề dùng bất cứ hóa chất nào trong quá trình chế biến. Từ Miến Đao có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn. Trước khi nấu, ngâm miến bằng nước ấm khoảng 5 đến 10 phút, sau đó thả vào nước dùng, đun sôi khoảng 2 phút thì bắc ra. Với sự khéo léo và kinh nghiệm có từ lâu đời của những người dân địa phương, đã tạo nên những sợi miến dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong tự nhiên. Bát canh miến với thịt gà, mộc nhĩ trở thành hương vị không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.